Mưa kéo dài gây ẩm ướt và ngập úng là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn sinh sôi và gây dịch bệnh cho con người. Một số dịch bệnh có thể bùng phát trong điều kiện này như: sốt xuất huyết, bệnh hô hấp, bệnh ngoài da, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, nhiễm ký sinh trùng, giun sán…
Sốt xuất huyết
Môi trường ẩm ướt, ngập úng, ô nhiễm, nước đọng là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, do đó dịch sốt xuất huyết rất dễ quay trở lại. Đây là dịch bệnh rất dễ lây và bùng phát trên diện rộng. Hàng năm bắt đầu từ tháng 9 trở về cuối năm, miền trung miền bắc nước ta đối diện nhiều đợt bão lũ, đây cũng là thời điểm dễ bùng dịch sốt xuất huyết ở nhiều địa phương. Bố mẹ cần hết sức đề phòng.
Phòng dịch bệnh đường hô hấp
Những ngày mưa kéo dài kèm theo gió lạnh làm tăng nguy cơ bệnh đường hô hấp. Đặc biệt là với trẻ nhỏ, nếu không được điều trị dứt điểm các triệu chứng ho, viêm họng, cảm cúm và có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng tốt có thể biến chứng sang viêm tiểu phế quản, phế quản, viêm phổi gây khó khăn trong điều trị. Đặc biệt là bố mẹ nên chú ý việc tiêm chủng đầy đủ cho con để phòng tránh các bệnh hô hấp truyền nhiễm.
Các bệnh về da
Do điều kiện vệ sinh kém, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và chứa đựng nhiều vi khuẩn gây dịch bệnh. Đây là thời điểm trẻ dễ bị viêm da cơ địa, ghẻ, viêm nang lông, nước ăn chân (do nấm ký sinh gây ra), mẩn ngứa, chốc lở, nấm, lang ben…
Bệnh tiêu chảy
Mùa mưa lũ, nhiều khu vực thiếu nước sạch, người dân phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, thức ăn nhiễm khuẩn nên dễ mắc tiêu chảy. Các bệnh như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn khác (E.coli, Campylobacter… ). Bệnh tiêu chảy cũng dễ lây từ người này sang người khác do tiếp xúc với chất thải của người bệnh.
Trong tình hình khó khăn, điều kiện thiếu thốn. Bố mẹ hãy thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Giữ vệ sinh cơ thể, tránh tiếp xúc với nguồn dịch bệnh.
Khi thấy những dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì cần thông báo đến các đơn vị chức năng hỗ trợ đến cơ sở y tế để khám và điều trị ngay, tránh lây lan nhanh trong cộng đồng.
Ngoài ra, nhà nào cũng nên trang bị bộ sơ cứu, trong trường hợp chấn thương, trầy xước, chảy máu, trượt ngã… có thể sử dụng kịp thời.