Thực tế thì không ít cha mẹ nuôi con thường đặt nặng vấn đề sức khỏe và kết quả học tập của con hơn là việc giúp con trẻ thành người tử tế. Khái niệm tử tế cũng thật rộng và có lẽ không cần diễn giải thêm thì ai cũng đều hiểu.
Mình từng được nghe các bà các cô ở quê nói câu: “Con vô dạ, mạ đi tu”. Câu này theo mình hiểu thì có nghĩa rằng, từ khi mang thai người phụ nữ bắt đầu ý thức được việc tu tâm dưỡng tính để mong rằng con ra đời sẽ được thừa hưởng những tư tưởng, suy nghĩ tích cực tốt đẹp từ mẹ. Mình thấy câu nói giản dị nhưng mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ sống trong sự nhẹ nhàng, lịch sự, lễ phép sẽ học được cách ứng xử chuẩn mực, văn minh. Đứa trẻ sống trong sự giận dữ, nóng nảy, sẽ hình thành tính khí cọc cằn, hung dữ. Những đứa trẻ sống trong sự phê bình, chê bai, trách móc sẽ học được cách chỉ trích, nói xấu, quấy nhiễu người khác. Đứa trẻ sống trong hận thù, ghen tỵ sẽ học được cách khiêu chiến gây sự, dễ sinh lòng đố kỵ với người khác. Đứa trẻ sống trong sự nhạo báng, trêu chọc sẽ có xu hướng thích làm nhục người khác, khiến người khác xấu hổ…
Mẹ biết không, những đứa trẻ của chúng ta đang mang một tâm hồn non nớt giữa một xã hội vô vàn điều phức tạp. Xã hội ngày càng phát triển thì càng tiềm ẩn nhiều mối nguy. Bạn có thấy trẻ con bây giờ thay đổi đến thế nào không? Từ bộ dạng bên ngoài cho đến cách nói năng ứng xử, mạng xã hội và kênh t.ik.to.k dạy con học theo rất nhanh, trend gì mới ra con học thuộc được ngay hôm sau. Một số bố mẹ rất lấy làm tự hào vì trẻ học được những câu chử.i thề trên mạng, hay nhảy theo một điệu nhảy uốn éo không phù hợp với một đứa trẻ. Đáng buồn hơn là giờ đây trên các trang mạng, có vô số tài khoản là trẻ em liên tục đăng nội dung đấu tố, bốc phốt, lăng mạ nhau… Rồi kết bè chia phái…
Một đứa trẻ ngoan không thể dựa vào chính bản thân con mà con cần nhiều sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Vậy làm sao để giúp con trở thành người tử tế?
Hơn ai hết, bố mẹ chính là người làm gương cho con. Tinh thần, suy nghĩ, tình cảm, thái độ, cách ứng xử của cha mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến việc hình thành nhân cách của con. Nhất là người mẹ, cảm xúc, tâm tư, tinh thần của người mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển thể chất lẫn tinh thần ngay từ trong quá trình mang thai.
Con sẽ học cách cư xử tử tế từ những người hàng ngày con tiếp xúc. Có thể trẻ chưa thể hiểu được thế nào là sự tử tế nhưng nếu được mọi người xung quanh đối xử tử tế và thông qua quan sát cách mọi người cư xử tử tế với nhau, trẻ cũng sẽ bắt chước cách hành xử đó. Lâu dần sẽ hình thành thói quen, rồi dần trở thành tính cách khi trẻ lớn lên. Khi con thấy bố mẹ chào hỏi lễ phép với ông bà, người lớn và tươi cười hòa đồng với những người xung quanh, trẻ cũng sẽ học theo điều đó. Khi bố mẹ dành thời gian kiên nhẫn trò chuyện với con thay vì giao cho con chiếc điện thoại, khi đó con có cơ hội được tránh xa những điều tiêu cực tiềm tàng từ internet…
Tại sao phải dạy con sống tử tế?
Dạy con sống tử tế là việc không dễ dàng gì trong khi chúng ta vẫn đang trong quá trình học làm người tử tế. Tuy nhiên, khi có con rồi, trách nhiệm dạy con thuộc về người làm cha mẹ. Nhất định chúng ta cần làm điều này, tại vì sao? Tại vì sống tử tế là cách duy nhất để con sống cuộc đời hạnh phúc về sau, kể cả lúc đó không còn bố mẹ bên cạnh nữa. Nếu bạn muốn để lại cho con một tài sản quý giá, hãy cho con một nhân cách tốt. Con có thể không giàu có, không nhiều của cải, nhưng con sẽ luôn nhận được nhiều tình yêu thương. Đó chẳng phải là điều tốt đẹp nhất sao.