Mình đã hỏi rất nhiều người xung quanh và hầu hết ai cũng đã trải qua:
- Tại sao bạn đó đạt 10 điểm mà con chỉ có 9?
- Tại sao bạn con hát hay đàn giỏi như thế mà bố mẹ tốn bao nhiêu tiền cho con đi học mà con lại không thể?
- Tại sao người ta tuổi này đã nhà lầu xe sang mà con vẫn còn như vậy?
- Tại sao….
Mãi mãi là câu hỏi tại sao mà không cần biết con cái đang có những vấn đề, tâm tư gì sâu thẳm bên trong. Con người mà, ai mà chẳng muốn cuộc sống tốt đẹp, suôn sẻ, hạnh phúc. Thế nhưng mọi chuyện đâu phải luôn dễ dàng như thế.
Cha mẹ luôn có lý lẽ của cha mẹ cần được thấu hiểu, và con cái cũng luôn có những suy nghĩ riêng cần được nói ra. Điều quan trọng là đôi bên cần tìm được ngôn ngữ chung để kết nối với nhau. Chắc có lẽ không bố mẹ nào không mong muốn điều tốt đẹp nhất cho con và cũng không có người con nào lại muốn làm bố mẹ phiền lòng. Vậy chúng ta đừng để tình yêu thương quý giá trở thành một nỗi áp lực vô hình ức chế mái ấm gia đình.
Bạn biết không? Trẻ sơ sinh có thể cảm nhận được tình cảm bố mẹ dành cho mình và cảm thấy an toàn hơn khi được bố mẹ ôm ấp vỗ về. Từ khi bé được 2 tháng tuổi, bố mẹ có thể thấy được bước phát triển về mặt tình cảm đầu tiên. Lúc này, bé đã có thể mỉm cười với những người thân thuộc như ông bà, bố mẹ, anh, chị,… Khi trẻ được 4 tháng tuổi, bé có thể chủ động tạo sự chú ý của ba mẹ bằng cách nhìn, cử động và phát âm. Đến khi trẻ được 8 tháng tuổi, bé đã nhận biết được bố mẹ là những người mang đến cảm giác ấm áp và an toàn nhất!
Như vậy, em bé đã có những cảm xúc riêng từ rất sớm. Vậy nên, nếu có thể, hãy tạo ra không khí gia đình thật thoải mái, nơi mà con có thể dễ dàng nói ra hết những tâm tư trong lòng. Đó là cách mà bố mẹ có thể thấu hiểu, đồng hành cùng con trên mỗi bước đường đời. Con cái lớn lên bằng cách bố mẹ chỉ dạy.
Trách nhiệm đầu tiên thuộc về bố mẹ, tiếp sau đó mới đến môi trường giáo dục nhà trường, xã hội và tự thân.
Nếu như cho trẻ em một cơ hội để nói ra… chắc chắn rằng bố mẹ cũng sẽ có cơ hội để hiểu con và nuôi dạy con tốt hơn.